Các vụ cháy nổ xe khách, xe giường nằm không còn là trường hợp lạ, mà xảy ra với mật độ ngày càng phổ biến. Khoảng 4h sáng 14/4, tại Km 711+10 quốc lộ 1, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình xảy ra vụ cháy xe khách giường nằm khiến hàng chục người hoảng loạn. 36 hành khách được sơ tán khỏi xe.
Được tài trợ
Xe ben Jac 1.4 tấn X150 thùng 1.6 khối
Gần đây nhất, rạng sáng 17/6, ôtô giường nằm của hãng xe khách ở Cà Mau bị cháy rụi tại ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe giường nằm, như hệ thống điện gặp sự cố hoặc cháy bình nhiên liệu.
Hiện trường vụ cháy xe giường nằm tại Sóc Trăng hôm 17/6.
Không ít hãng xe khách nâng cấp hệ thống điện trên ôtô giường nằm. Nhiều mẫu xe được cải tạo giảm số giường từ 40 xuống còn 22 để tăng tiện nghi. Ngoài ra, xe còn được nâng cấp không khác gì khoang thương gia máy bay với đầy đủ tivi, hệ thống giải trí, ghế massage, đèn nội thất.
Trả lời về vấn đề này, ông Võ Quốc Bình, cựu TGĐ Futa Bus (Phương Trang) cho biết có nhiều nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn, nhưng lỗi hệ thống điện là một trường hợp phổ biến.
"Tôi được biết rằng, việc cải tạo lại kết cấu, công năng, lắp thêm các hạng mục giải trí trên xe khách phải phù hợp và tuân thủ đúng quy định của pháp luật và phải được cục đăng kiểm cho phép mới thực hiện, nếu không thì đó là phạm luật", ông Bình nhấn mạnh.
"Việc cải tạo, nâng cấp xe giường nằm phải đảm bảo các tiêu chí an toàn về cháy, nổ, sử dụng đúng mục đích... và phải được kiểm định, đăng kiểm lại các hạng mục đã nâng cấp, cải tạo về chất lượng và công năng. Nếu vì cạnh tranh họ làm lén lút là sai hoàn toàn và đây chính là một trong các nguyên nhân gây chập điện, cháy nổ. Trong trường hợp đã được phép, nếu xác định được nguyên nhân xuất phát từ những hạng mục cải tạo đã được cấp phép, trách nhiệm thuộc về cơ quan đăng kiểm", ông Bình cho biết.
Nhiều mẫu xe giường nằm được cải tạo, lắp thêm đèn, tivi..Để tăng tiện nghi cho xe nhằm thu hút khách.Theo ông Võ Quốc Bình, kết cấu của xe giường nằm khá phức tạp. "Nếu đánh giá chung về mức độ an toàn, thì các xe khách giường nằm sẽ không đảm bảo bằng các xe khách ghế ngồi nếu di chuyển trên một số cung đường quanh co, đèo dốc".
Hiện nay, đa phần vụ cháy nổ xe khách và xe khách giường nằm đều xác định nguyên nhân chủ yếu do hở mạch điện, rò rỉ hệ thống điện. Tác nhân có thể xuất phát từ các thiết bị nâng cấp, lắp thêm hoặc đã có sự thay đổi trong thiết kế hoặc xe không còn đảm bảo các thông số an toàn cần thiết như thiết kế ban đầu.
"Các thiết bị như tủ lạnh mini, tivi, đầu đĩa, đầu karaoke là những thứ thường được các hãng xe gắn thêm. Các thiết bị điện này không có trong thiết kế của xe, gây quá tải cho hệ thống điện, chập điện dẫn đến cháy nổ", ông Bình chia sẻ.
"Ngoài ra, tôi cho rằng còn một nguyên nhân gây cháy nổ khác là thùng dầu của xe được lắp khoảng giữa hai bánh trước và bánh sau của xe, vị trí này quá gần với vị trí đặt động cơ, dễ hấp thụ nhiệt nên cũng dễ gây cháy nổ. Các xe đời mới sau này đã chuyển thùng chứa nhiên liệu ra phía trước thì cũng dễ phát hỏa khi có va chạm với xe khác. Khi cháy nổ sẽ bùng phát rất nhanh, gây thương vong lớn vì trên xe toàn vật liệu dễ bắt lửa, không những vậy, xe cũng chỉ có một cửa thoát hiểm", ông Võ Quốc Bình giải thích.
Xe giường nằm phát hỏa khi va chạm với container trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, ngày 28/3.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, ông Võ Quốc Bình cho biết, thông thường xe khách giường nằm cần dừng nghỉ sau mỗi 120 km và tài xế không nên hoạt động liên tục quá 4 giờ. Thời gian dừng nghỉ khoảng 15-30 phút để lái xe phục hồi sức khoẻ và cũng là để kiểm tra lại các hệ thống vận hành của xe. Nếu có bất thường xảy ra cũng phát hiện kịp thời để xử lý sự cố, đảm bảo an toàn.
Theo: zing.vn