Đây là trường hợp đơn giản, thuận tiện nhất trong việc sang tên đổi chủ. Anh X mua xe của anh Y, cả hai người cùng sống tại Hà Nội, có giấy tờ mua bán đầy đủ. Thủ tục để sang tên như sau:
Nơi làm thủ tục sang tên đổi chủ là cơ quan ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe. Tại đây, chủ xe nộp đủ các giấy tờ sau:
1. Giấy khai đăng ký xe (mẫu tại cơ quan đăng ký hoặc tải trên internet)
2. Giấy chứng nhận đăng ký xe
3. Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe
4. Chứng từ lệ phí trước bạ cho xe cũ
Sau khi nộp đủ các giấy tờ, chủ xe chờ trong vòng 2 ngày làm việc sẽ được giải quyết sang tên đổi chủ. Biển số cũ vẫn giữ nguyên (trừ biển loại 3 số, 4 số hoặc khác hệ biển thì nộp lại biển số để đổi sang biển 5 số theo quy định)
Để sang tên cho xe từ tỉnh này sang tỉnh khác, ví dụ từ Đắc Lắc sang Đắc Nông. Người được chuyển nhượng xe làm tương tự trường hợp sang tên trong cùng tỉnh, nhưng phải qua hai công đoạn, ở cả nơi đăng ký của xe tức Đắc Lắc và ở nơi chuyển đến tức Đắc Nông.
Đầu tiên người mua xe mang đủ giấy tờ lên cơ quan đăng ký ở Đắc Lắc, bao gồm:
1. Hai giấy khai sang tên, di chuyển xe
2. Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe;
3. Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe (mua bán, cho tặng, thừa kế)
Trường hợp di chuyển nguyên chủ đi tỉnh khác, phải có quyết định điều động công tác hoặc Sổ hộ khẩu thay cho chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.
Sau khi xong các thủ tục ở Hà Nội, cơ quan này sẽ cho người mua rút hồ sơ gốc của xe, để nộp ở nơi mới.
Khi đến Đắc nông, sau khi làm thủ tục nộp lệ phí trước bạ tại kho bạc, chủ xe mới đến cơ quan đăng ký và nộp những giấy tờ sau:
1. Giấy khai đăng ký xe
2. Chứng từ lệ phí trước bạ
3. Giấy khai sang tên, di chuyển xe và phiếu sang tên di chuyển kèm theo chứng từ chuyển quyền sở hữu xe.
4. Hồ sơ gốc của xe theo quy định.
Sau khi nộp đủ hồ sơ, chủ xe chờ để được thông báo trả hồ sơ đăng ký mới. Biển số cũ nộp lại để cấp biển số mới.
Trong quy định mới ở thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe, cơ quan đăng ký sẽ tạo điều kiện tối đa cho mọi trường hợp đều có thể sang tên, đổi chủ hay đăng ký mới, dù còn nhiều hay ít giấy tờ.
Đối với trường hợp xe qua nhiều đời chủ, các thủ tục tương tự hai trường hợp ban đầu là đăng ký cùng tỉnh hoặc sang tỉnh khác. Điểm khác biệt là trong bộ hồ sơ, ngoài những giấy tờ đã nói, người đi đăng ký cần nộp thêm "Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng".
Ví dụ qua cho tặng, mua bán hoặc chuyển nhượng, chiếc xe đi theo chiều từ A-B-C-D-E-F. Nếu F muốn đăng ký xe theo tên của mình, người này cần có giấy tờ từ A chuyển cho B và từ E chuyển cho F, giấy tờ này có thể là hợp đồng mua bán hoặc biên bản cho tặng, thừa kế...Những thủ tục còn lại, tương tự như ban đầu.
Không tìm được chủ cũ
Trường hợp không biết chủ là ai thường xảy ra khi xe mua qua nhiều đời chủ. Tương tự ví dụ trước, xe đi từ A-B-C-D-E-F. Các giấy tờ người F đi đăng ký cần nộp vẫn tương tự trường hợp qua nhiều đời chủ, dù không có giấy của A cho B và E cho F. Khi đó cơ quan đăng ký sẽ thực hiện các biện pháp để xác minh tính xác thực của nguồn gốc xe và trả lời sau 30 ngày. Việc thực hiện cùng tỉnh hay khác tỉnh tương tự ban đầu.
Mất giấy tờ xe.
"Giấy tờ xe" mà người dân quen gọi là "Giấy chứng nhận đăng ký xe". Đây là giấy tờ bắt buộc phải có trong mọi tập hồ sơ khi làm sang tên đổi chủ dù ở trong trường hợp nào (cùng tỉnh, khác tỉnh, qua một chủ, qua nhiều chủ...).
Tuy nhiên nếu giấy tờ xe bị mất hoặc thất lạc thì phải làm thế nào?
Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định, trường hợp mất giấy chứng nhận đăng ký xe, người đi đăng ký phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe, có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú. Những thủ tục còn lại thực hiện tương tự các trường hợp khác.